Thị trường cơ khí Việt Nam năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD, hiện tại chỉ mới đáp ứng gần 1/3 nhu cầu
Dự báo tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD, nhưng thực tế, các doanh nghiệp cơ khí Việt nam chỉ mới đáp ứng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, Nguyên nhân và các chính sách đề xuất được đưa ra là gì.
Tổng quan thị trường Việt Nam
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô.
Thống kê cho thấy linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 90%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Đáng lưu ý, chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam; hay như Thaco, từ cuối năm 2019 đến nay đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ… Cơ khí gia công chế tạo có một số doanh nghiệp như: Toyota, Nikon…
Sản phẩm ngành cơ khí cung cấp là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn. Trong đó, có trên 500 doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, tức những ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cơ khí của cả nước.
“Bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt là quốc gia đông dân số như Việt Nam thì nhu cầu với ngành cơ khí chế tạo là rất lớn (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của TS.Trương Chí Bình – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, ngành công nghiệp cơ khi Việt Nam hiện mới đáp ứng được nhu cầu trong nước ở mức thấp. Nếu so với các quốc gia láng giềng, ngành cơ khí của chúng ta không mạnh.
Nguyên nhân
1. Loay hoay bài toán nguyên phụ liệu
Theo Bô Công Thương, dự kiến tổng nhu cầu quy mô thị trường ngành cơ khí giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đó là thị trường “mơ ước” đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên theo tính toán của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.
Như với bộ van 1 chiều cho máy ép nhựa dùng để sản xuất linh kiện ô tô – xe máy, để làm ra đầu van này, 100% các nguyên liệu thép đều phải nhập khẩu.
“Thép kỹ thuật yêu cầu chế độ làm việc rất khắc nghiệt khi hoạt động trong môi trương nhiệt độ cao, phải chịu được khả năng ăn mòn hóa học. Những nhà sản xuất thép Việt Nam chủ yếu trong ngành xây dựng, còn trong ngành kỹ thuật chúng tôi không tìm được”, ông Nguyễn Phương Tuấn – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Kỹ thuật ASG Việt Nam cho biết
Với ngành nhựa cũng phải nhập hơn 80% nguyên liệu đầu vào, theo doanh nghiệp, dù Việt Nam đã có hai dự án lọc hóa dầu, có thể sản xuất nhựa nguyên liệu, nhưng giả sử có chạy hết công suất, cũng chỉ làm ra khoảng 700 nghìn tấn/năm. Trong khi mỗi năm ngành nhựa cần nhập khẩu từ 5-6 triệu tấn, chưa kể có nhiều chủng loại nhựa trong nước chưa đáp ứng được.
“Việt Nam có vài khu chế xuất và doanh nghiệp đã chế biến từ dầu mỏ nhưng sản lượng rất ít. Ngoài ra chủng loại nhựa không được phong phú, chỉ PP đơn thuần thôi. Các loại nhựa kỹ thuật độ bền cao thì gần như không có”, bà Trần Thị Kim Huệ – Tổng giám đốc Công ty Phong Nam Sinhirose cho biết.
Thiếu nguyên phụ liệu được xem là một trong những điểm yếu của ngành cơ khí (Ảnh minh họa)
Với điểm yếu về nguyên liệu, nên nhiều doanh nghiệp cho biết họ buộc phải nhập khẩu máy móc nguyên chiếc về để bán. Vì nếu sản xuất ở Việt Nam, lại vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, thì sẽ khiến chi phí giá thành lên cao, khó cạnh tranh.
“Sản xuất ở Việt Nam mà nhập khẩu nguyên liệu ở Trung Quốc thì như “chở củi về rừng”. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hỗ trợ thì các nhà đầu tư sẽ đặt nhà máy tại nơi có vùng nguyên liệu”, ông Nguyễn Đức Giang – Giám đốc Marketing – Weichai Việt Nam cho biết.
Nhằm khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, nhấn mạnh tới các chính sách phát triển cho ngành công nghiệp vật liệu, với nhiều ưu đãi về cơ chế và tài chính.
2. Trình độ công nghệ lạc hậu
Sản phẩm cơ khí trong nước hầu như chưa xây dựng được thương hiệu, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Chưa hình thành các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành còn thấp, chưa thể hiện vai trò nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Đáng lo ngại, trình độ cơ khí chế tạo (trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước khoảng 2 – 3 thế hệ. Năng lực nghiên cứu, thiết kế của các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn hạn chế, có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký trong ngành cơ khí. Trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung chậm đổi mới.
3. CNHT chậm phát triển, thiếu nguồn lực đầu tư
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí cung cấp là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn. Tuy nhiên, tại Việt Nam lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển, dẫn đến năng lực tham gia chuỗi cung ứng yếu.
Theo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ngành đúc có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành CNHT, có thể chiếm từ 40% đến 70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Nắm bắt được nhu cầu và xu thế phát triển ngành công nghiệp đúc, ngay từ đầu năm 2008, VEAM đã đầu tư nhà máy đúc tại thành phố Hồ Chí Minh với dây chuyền đúc khuôn cát tươi và dây chuyền đúc Furan với công suất 4.500 tấn sản phẩm đúc/năm và nhiều khâu tự động hóa. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các sản phẩm đúc của nhà máy đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Đặc biệt, nhà máy đã ký được các hợp đồng lớn về cung cấp sản phẩm đúc cho các công ty nước ngoài với yêu cầu rất cao về chất lượng như Toshiba, Ge, Juki, Iseki…
Tuy nhiên, những doanh nghiệp (DN) có khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại như VEAM trong ngành đúc còn rất ít. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 DN, cơ sở làm đúc, trong đó chỉ có khoảng 10 DN và phần lớn là các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là có công nghệ tiên tiến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc đầu tư công nghệ, thiết bị cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, các DN ngành đúc hiện đang rất cần có sự hỗ trợ mạnh và cụ thể của nhà nước để sớm được tiếp cận công nghệ mới, tập trung đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị hiện đại đáp ứng quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ Công Thương đề ra.
Đây cũng là thực trạng chung của các DN CNHT ngành cơ khí. Theo Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), tình trạng chung của các DN cơ khí hiện nay là máy móc đã đầu tư và sử dụng qua hàng chục năm. Điểm qua cũng có tới trên 50% máy sử dụng từ 30 – 50 năm, đã hết khấu hao. Trong đó, thiết bị nhập khẩu xuất xứ chủ yếu từ Liên Xô cũ, Đông Âu… Các DN thường chọn đầu tư bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Do đó, nhìn chung, ngành cơ khí trong nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Giải pháp cho ngành cơ khí?
Theo TS. Trương Chí Bình – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, ngành cơ khí đang gần như không có một ưu đãi gì. Nếu nói về công nghiệp hỗ trợ thì có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng ưu đãi chỉ khi doanh nghiệp có thu nhập song thường các doanh nghiệp sản suất chế tạo 3-5 năm đầu gần như không có lãi. Do đó quan trọng là phải hỗ trợ đầu vào để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, khuyến khích và thu hút mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, ưu đãi và tạo môi trường dễ dàng để tư nhân có thể đầu tư, thành lập các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành cơ khí. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm CNHT sản xuất tại Việt Nam có thể được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo có nhu cầu vay vốn nước ngoài có thể được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Nhà nước có thể dành một phần nguồn vốn ODA cho ngành cơ khí, đồng thời có chính sách thu hút, khuyến khích, hướng nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực CNHT ngành cơ khí.
Về hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí, mới đây, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn. Trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển…
Trích nguồn từ: trang vtv.vn