công nghệ tự động hóa sự phát triển tất yếu trong tương lai của doanh nghiệp
Tự động hóa là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất công nghiệp để chuyển một phần lớn hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất nhờ sức lao động của con người sang cho máy móc thiết bị. Đây là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức, cần phải được quan tâm, ưu tiên.
Cơ hội “đi tắt đón đầu” của doanh nghiệp
Tự động hóa được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Công nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng… Đặc biệt, trong gia công cơ khí, nếu như theo phương pháp truyền thống, thợ cơ khí phải gia công bằng tay hoặc dùng máy bán tự động như máy tiện, máy bào, máy hàn… thì nhờ ứng dụng thiết bị tự động, robot tự động mà các công đoạn đó đã được thực hiện bằng những máy gia công hiện đại, được lập trình CNC. Hoặc những công đoạn nguy hiểm như hàn thì có sự trợ giúp tối đa của các robot hàn hiện đại. Đặc biệt, công nghệ CAD/CAM/CNC đã giúp quá trình gia công vận hành theo một quy trình khép kín, tốc độ cao, độ chính xác gần như tuyệt đối.
Nhu cầu của ngành tự động hoá ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh chóng, bởi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của tự động hoá trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh. Nhờ sự phát triển của Internet và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tự động hóa được xem là một yếu tố then chốt, tất yếu để giúp các doanh nghiệp phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê có tới hơn 90% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam áp dụng công nghệ tự động hoá để tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid đang diễn phức tạp, việc đầu tư máy móc, công nghệ, robot tự động hoá chính là phương án tất yếu vừa giúp giảm nhân công, chi phí mà vẫn đảm bảo quản lý tốt hệ thống sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất luôn tự cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc của mình để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Các hệ thống điều khiển thường dùng để vận hành quá trình sản xuất bao gồm servo, PLC, mạch điện tử, G code… có thể bao gồm việc điều khiển từ đơn giản đến các thuật toán phức tạp, điều khiển những máy móc đơn giản cho đến những hệ thống công nghiệp lớn.
Tự động hoá đang được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, tri thức và công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Các doanh nghiệp tự động hoá có cơ hội đi tắt đón đầu các công nghệ mới nhất giúp giảm chi phí và thời gian thử nghiệm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Chính phủ, các FTA góp phần giúp Việt Nam trở thành nền tảng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Hiện nay, tại nhiều trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, các chương trình đào tạo trực tiếp hoặc gián tiếp đều có các môn liên quan đến ngành tự động hoá. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai có rất nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Mạnh, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công nghệ robot là một lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp, liên quan đến đa lĩnh vực và liên ngành, bao gồm cơ khí – điện tử, điều khiển tự động, công nghệ cảm biến, công nghệ máy tính, vật liệu mới, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo…
Những nghiên cứu phát triển robot đã và đang được triển khai ở hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Trong đó, nổi bật ở Hà Nội là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Công nghệ thông tin, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Học viện Kỹ thuật Quân sự…
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Tự động hoá là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp và có ảnh hưởng đến đa ngành, tuy nhiên, hiện tại tự động hoá vẫn chưa trở thành một ngành riêng biệt tại Việt Nam. Theo thống kê thực tế, lĩnh vực tự động hoá ở Việt Nam có trình độ trung bình và mức độ rất hạn chế, các thiết bị dây chuyền sản xuất tự động và robot hầu hết đều nhập khẩu. Việc đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về robot và tự động hoá còn chưa được chú trọng, hầu hết sử dụng lại công nghệ cũ trên thế giới. Doanh nghiệp đầu tư tự động hoá phụ thuộc nhiều vào công nghệ của đối tác nước ngoài, khó khăn trong thay thế, nâng cấp, bảo trì thiết bị.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định, nghiên cứu và ứng dụng robot ở Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyên sâu về robot còn yếu và thiếu; robot được chế tạo rất ít và hầu hết sử dụng công nghệ cũ của thế giới, chưa có đủ khả năng làm chủ công nghệ cũng như phát triển công nghệ phù hợp; robot công nghiệp đã được quan tâm nghiên cứu nhưng mới chỉ dừng ở việc đưa ra mô hình và đi tìm thuật toán giải bài toán động lực học cho robot phục vụ điều khiển chuyển động, chưa chủ động được quá trình thiết kế và chế tạo robot đáp ứng yêu cầu cụ thể. Nhiều vấn đề mới đang được quan tâm trên thế giới chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu ở Việt Nam, như nâng cao kỹ năng động lực học và khả năng ứng xử thông minh giống con người cho robot…
Về phía các doanh nghiệp, do trình độ công nghệ còn thấp, nên nhu cầu tự động hóa các dây chuyền sản xuất không bức bách. Một số doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ buộc phải đầu tư cho tự động hóa, thì nhập khẩu thiết bị và công nghệ nước ngoài, đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt, không quan tâm đầu tư cho nghiên cứu hoặc ứng dụng sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư ứng dụng lĩnh vực tự động hoá còn nhiều bất cập.
Tiến tới làm chủ công nghệ lõi
Để có thể phát triển và hội nhập nhanh chóng với xu hướng tự động hoá trên toàn cầu, Việt Nam cần có một cộng đồng các doanh nghiệp quyết tâm đầu tư cho tự động hoá, cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường nghiên cứu với chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ về nguồn vốn hoặc liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Mạnh cho rằng, Việt Nam cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều thành phần quan trọng khác để có thể đưa các nghiên cứu ứng dụng về robot vào thực tế, giải quyết trực tiếp những bài toán mà doanh nghiệp đặt ra.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện Bộ đang chủ trì Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa”. Một trong những mục tiêu của chương trình là nghiên cứu, làm chủ công nghệ lõi trong thiết kế, chế tạo, tích hợp các hệ thống tự động hóa thế hệ mới cho các ngành kinh tế trọng điểm.