Tàu hủ ky là gì?

Tàu hủ ky là gì?

Tàu hũ ky là gì?

Tàu hũ ky (còn gọi là phù trúc, váng đậu nành) – một sản phẩm làm từ đậu nành. Trong quá trình nấu sữa đậu nành, một lớp đậu mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt. Người ta sẽ vớt lớp màng mỏng này và phơi khô cho ra thành phẩm là tàu hũ ky. Với nhiều loại nào là tàu hũ ky miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, cọng non, tàu hũ ky ướp muối,…

Làng nghề tàu hũ ky trăm năm tuổi

Nếu bạn đã từng nghe qua những làng nghề nổi tiếng của khu vực Tây Nam Bộ như: làng nghề Bến Tre với các sản phẩm từ dừa hay làng nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc thì tại nơi sản xuất loại thực phẩm từ đậu nành này cũng đã hình thành nên làng nghề tàu hũ ky lâu năm Mỹ Hòa (Vĩnh Long).

Theo lời người dân nơi đây hơn 100 năm trước có hai anh em người hoa tên Châu Phạch và Châu Sầm đem nghề tàu hũ ky đến đất Mỹ Hòa thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long để lập nghiệp. Vì thấy hay nên bà con trong vùng đến xin truyền nghề, dần dà số hộ dân làm tàu hũ ky đông lên rồi thành hẳn một làng nghề xôm tụ. Cứ thế mà nhiều đời của dân cư sống ven sông Hậu này nối tiếp và gìn giữ nét đẹp nghề làm tàu hũ ky của cha ông.

Quá trình từng “lá” hũ ky ra lò

Từ bao đời nay quy trình chế biến tàu hũ ky của các hộ dân đều hoàn toàn là hình thức thủ công.

Nguyên liệu chính để làm tàu hũ ky là đậu nành, cùng với những công cụ hết sức giản đơn: mấy cái lò nấu (lò than, lò củi, bếp gas), mấy cái vạc (chảo gang), một số dàn phơi làm bằng tre. Quy trình nấu đậu hũ ky cũng không mấy khó.

Bước 1: Đầu tiên, đậu nành được mang đi ngâm nước chừng một giờ, đãi vỏ rồi cho vào xay lấy nước, sau đó đổ vào đun liu riu trong một ngày, duy trì ở khoảng 70 độ C.

Bước 2: Khi chảo nước sôi đều, váng màu vàng đậm nổi lên thì cũng là lúc vớt tàu hũ ky. Nếu muốn lá tàu hũ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút.


Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được những người thợ lành nghề dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo nước.

* Thợ làm tàu hũ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ.

Bước 3: Tàu hũ ky vớt xong sẽ đem phơi khô hoặc phơi tái (còn ướt) . Do đặc trưng trong lò nhiệt độ đã nóng nên đa phần không cần mang đi phơi, tàu hũ ky cũng tự khô lại.


Đối với loại tàu hủ ky dạng ướt, ở Mỹ Hòa không dùng  hóa chất để trữ, thay vào đó họ ướp bằng muối.

Để ra được 1kg tàu hũ ky phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi và giá 1kg tàu hũ ky rơi vào tầm 95.000 – 120.000 đồng tùy từng thời điểm.

Vào dịp rằm tháng Bảy và trước Tết Nguyên đán, tàu hủ ky Mỹ Hòa bán ra thị trường khắp các tỉnh thành khoảng 2 tấn/ngày.

Nguồn: https://www.cooky.vn/

Chia sẻ bài viết này trên