Yuba – Tàu hủ ki Nhật Bản
Trong quá trình nấu đậu, một lớp đậu mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt nồi sữa đậu. Người ta sẽ vớt lớp màng mỏng này và phơi khô để thành tàu hũ ki.
Đậu phụ, tiếng Nhật gọi là Toufu, một loại thực phẩm được chế biến từ đậu nành và thường không có mùi gì đặc biệt nhưng rất dễ nấu và chế biến. Đây là loại thực phẩm có vị thanh nên rất dễ ăn đối với nhiều người, đặc biệt là những người ăn chay.
Ở Nhật, Toufu là loại thực phẩm phổ thông và thường được nấu chung với canh Miso, canh Kakujiru (một loại canh nấu với bã rượu và những món khác) và các món lẩu. Ở Trung Quốc chủng loại đậu phụ còn phong phú hơn ở Nhật nhiều và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Món này cũng rất quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt Nam, Đại Hàn, Camphuchia, Thái, Miến Điện… Hiện nay ở Mỹ cũng có nhiều người thích đậu phụ và được bán trong các cửa hàng thực phẩm.
Khi nấu sữa đậu nành thì một lớp màng gồm chất đạm và chất béo nổi lên trên mặt nước theo hiện tượng Ramsden được gọi là Yuba . Tiếng Việt gọi là phù chúc, tàu hũ ky và đây là một loại thực phẩm giàu chất đạm được dùng trong ăn chay. Yuba chứa khoảng 50-55% chất đạm, 24-26% chất béo, 9% nước và 12% carbohydrate.
Ở Nhật Yuba được dùng chủ yếu trong các món chay và được du nhập vào đất nước này từ Trung Quốc khoảng 1200 năm trước khi nhà sư Saichou mang từ đại lục về cùng với kinh điển Phật giáo và trà. Yuba lần đầu tiên xuất hiện trong văn tự là một bài đồng dao dưới chân núi Hiei, ngọn núi phát tích của Phật giáo Nhật Bản. Bọn trẻ con hát rằng “ông sư trên núi ăn gì mà sống? Ông ăn phù chúc và dưa muối mà sống”. Món Yuba được truyền từ ngôi chùa Enryakuji phái Tendai trên núi Hiei (ngày nay thuộc tỉnh Shiga) đến các thị trấn buôn bán quanh chùa chiền ở các vùng như Kyoto, Oumi và Nikkou.
Nguồn: https://japanduhoc.com/
ittctech-vn.com