Lịch Sử Phát Triển Cây Đậu Nành Tại Việt Nam.
Do vị trí địa lý nước ta nằm sát Trung Quốc, có sự giao lưu nhiều mặt từ lâu đời nên cây đậu nành được biết đến và trồng từ rất sớm, ngay từ thời Vua Hùng ông cha ta đã biết trồng cây đậu nành cùng với nhiều loại cây họ đậu khác.
Từ thế kỷ 13, Lê Quý Đôn đã ghi chép lại trong sách “Vân đài loại ngữ” đậu nành trồng ở một số tỉnh vùng Đông Bắc, miền Bắc nước ta. Các sản phẩm chính của đậu nành được nhân dân chế biến phổ biến là: đậu phụ, chao, tương, dầu, sữa, làm bột trong một số loại thực phẩm và làm kẹo, bánh… Đậu nành phân bố rộng, được gieo trồng ở nhiều nước trên thế giới, từ 48 vĩ độ Bắc đến 30 vĩ độ Nam. Đậu nành có phản ứng chặt chẽ với độ dài ngày, là cây ngày ngắn điển hình. Theo phản ứng quang chu kỳ đậu nành được chia ra làm 13 nhóm chín khác nhau. Các nhóm chín sớm thích hợp ngày dài và mùa hè ngắn ở phía nam Canada và Bắc Mỹ. Nhóm chín muộn thích hợp với ánh sáng ngày ngắn của các vùng nhiệt đới cận xích đạo.
Mặc dù có lịch sử lâu đời, nhưng trải qua một thời gian dài cây đậu nành vẫn chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Năm 1976, diện tích đậu nành cả nước chỉ đạt gần 40 ngàn ha, năng suất 5,2 tạ/ha, sản lượng 20,7 ngàn tấn. Năm 1995 có diện tích lớn nhất đạt 121,1 ngàn ha, năng suất 10,3 tạ/ha, sản lượng 125,5 ngàn tấn. Hiện nay diện tích đậu nành cả nước khoảng trên dưới 100 ngàn ha, năng suất khoảng 11–12 tạ/ha.
Cả nước hình thành 6 vùng sản xuất đậu nành chính. Theo số liệu năm 1993, vùng Đông Nam Bộ có diện tích lớn nhất (26,2% diện tích đậu nành cả nước), miền núi và trung du phía Bắc (24,7%), đồng bằng sông Hồng (17,5%), đồng bằng sông Cửu Long (12,4%), còn lại là đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên.
Về sản lượng, 3 vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 63,8% sản lượng đậu nành cả nước. Đặc biệt ĐBSCL chỉ chiếm 12,7% diện tích nhưng chiếm tới 20,9% sản lượng với năng suất bình quân 16 tạ/ha, cao nhất nước.
Trong các thời vụ trồng đậu nành thì vụ Xuân chiếm 14,2%, vụ Hè Thu 31,3%, vụ Mùa 2,68%, vụ Thu Đông 22,1%, vụ Đông Xuân 29,7%. Ở vùng núi Bắc Bộ, khu 4 cũ, ĐBSCL vụ Đông Xuân là vụ chính (59,8–83,5%), ở đồng bằng sông Hồng, trung du Bắc Bộ, vụ Xuân là vụ chính (60,6–65,6%), ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chủ yếu trồng vụ Hè Thu và Thu Đông (60–77%).
Nguồn: http://iasvn.org/
http://Ittctech-vn.com