Sự bùng nổ tự động hóa trong ngành điện
Việc áp dụng robot công nghiệp tiếp tục tăng tốc, với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm 30% trong năm 2017. Hơn 381.000 robot đã được bán cho các ngành sản xuất vào năm 2017, cao hơn gấp đôi so với số lượng được bán vào năm 2013. Hơn 2 triệu robot hiện đang hoạt động trong ngành công nghiệp. Theo báo cáo mới nhất về ‘ Người máy công nghiệp 2018, Người máy công nghiệp ‘ của IFR, con số này dự đoán sẽ tăng gấp đôi.
Trong nhiều năm, lĩnh vực ô tô đã, và đang là động lực thúc đẩy doanh số bán robot cho ngành sản xuất. Song, điều này đang thay đổi một cách nhanh chóng. Ngành điện / điện tử (E&E) sẽ sớm trở thành lĩnh vực thống trị về doanh số bán robot. Trong năm 2012, số lượng robot bán cho các nhà sản xuất ô tô cao gấp đôi so với lĩnh vực E&E.
Năm 2017, thị phần cung cấp cho lĩnh vực ô tô chỉ nhỉnh hơn 1% so với thị phần bán cho các công ty E&E. Dự là sẽ có nhiều robot được lắp đặt trong các công ty điện tử / điện hơn so với các nhà sản xuất ô tô (dựa trên tốc độ tăng trưởng năm 2017). Viễn cảnh này có thể sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến, do sự phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô – chẳng hạn như các xe tự hành, ô tô điện – các loại phương tiện được hỗ trợ bởi thiết bị điện tử.
Tăng trưởng doanh số bán robot cho ngành E&E một phần có liên quan đến sự tăng trưởng trong nội bộ ngành. Thị trường E&E định giá 4 nghìn tỷ Euro vào năm 2016 và được dự báo sẽ tăng trưởng trên 4% mỗi năm. Việt Nam – hiện là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới – nay đã vươn lên trở thành thị trường robot lớn thứ bảy trên toàn cầu.
Lĩnh vực E&E mở rộng cũng tăng 52% hàng năm trong doanh số bán robot tại Malaysia trong năm 2017. Đây là một tin mừng cho vấn đề tạo công ăn việc làm trong khu vực. Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng tự động hóa đã tăng ròng 33 triệu việc làm mỗi năm ở các nước đang phát triển tại Châu Á trong 10 năm tính đến 2015.
Một lý do khác khiến doanh số bán robot trong ngành E&E tăng trưởng 33% trong năm 2017 là do phạm vi nhiệm vụ mà robot có thể thực hiện ngày càng mở rộng, đặc biệt là trong lắp ráp các linh kiện và thiết bị điện tử. Tự động hóa bằng robot là một đề xuất kinh tế khả thi đối với các nhà sản xuất điện tử. Robot được sử dụng trong toàn bộ quy trình sản xuất – từ cắt vỏ kim loại đến lắp ráp các thành phần thu nhỏ trên bo mạch, sử dụng chất kết dính để đánh bóng cũng như thực hiện kiểm tra chất lượng, đóng gói và nâng pallet.
Việc lắp ráp thiết bị điện tử đòi hỏi tốc độ nhanh và chính xác vì các vật thể thường nhỏ và dễ vỡ. Robot phải có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ theo một trình tự xác định. Những tiến bộ trong bộ gắp, công nghệ thị giác và cảm biến lực đồng nghĩa với việc robot có thể xử lý ngày càng nhiều công việc sản xuất, lắp ráp và hoàn thiện. Ví dụ, robot giờ đây có thể phân loại các sản phẩm và gắn các linh kiện, nhãn ở các góc khác nhau.
Sự phát triển về cảm biến và công nghệ tự điều chỉnh lực tác động (đảm bảo rô-bốt chạy chậm lại hoặc dừng lại nếu tiếp xúc với công nhân) có nghĩa là giờ đây rô-bốt có thể chia sẻ không gian làm việc với chính các nhân viên. Các nhà sản xuất có thể dễ dàng chèn các robot hợp tác vào dây chuyền sản xuất hiện có và di chuyển chúng giữa các dây chuyền. Tính linh hoạt này đặc biệt quan trọng trong E&E, nơi mà chu kỳ sản phẩm thường chỉ kéo dài vài tháng. Robot cũng trở nên dễ lập trình hơn, cho phép thực hiện lại tác vụ nhanh hơn so với công nhân.
Tự động hóa công nghiệp ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả ngành E&E, nơi sản xuất nhiều thiết bị cần thiết cho tự động hóa và ngành công nghiệp robot, cho phép E&E và các lĩnh vực sản xuất khác cải thiện hiệu quả, chất lượng và an toàn.
(Nguồn: ifr.org)